Skip to main content

Tập huấn chuyển giao quản lý, vận hành, sử dụng giải pháp Xây dựng không gian số tỉnh An Giang

Với mục tiêu xây dựng không gian số cho tỉnh An Giang (tên gọi tắt là iSpace); tăng cường truyền thông, tạo kết nối, tương tác và trải nghiệm mới đối với các công trình kiến trúc, cảnh quan, điểm du lịch, sản phẩm, dịch vụ… của An Giang trên môi trường số; góp phần quảng bá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của An Giang. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Tin học Trường Đại học An Giang tổ chức lớp tập huấn chuyển giao quản lý, vận hành, sử dụng giải pháp Xây dựng không gian số tỉnh An Giang. Tham dự có ông Lê Quốc Cường - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Viễn thông An Giang, các phòng và đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn

Lớp tập huấn đã diễn ra trong 02 ngày (16-17/1/2023) tại Hội trường Sở Thông tin và Truyền thông, học viên được trang bị các kiến thức về: sử dụng thiết bị chuyên dụng (kết nối với app điện thoại, desktop, chế độ chụp, chế độ quay…); xử lý ảnh; xây dựng không gian số (giao diện, làm việc với Hotspots, Panoramas, Skin…). 

 

Học viên thực hành chụp ảnh và xử lý ảnh

Bên cạnh đó, các học viên được trải nghiệm chụp ảnh thực tế và xây dựng không gian số các công trình kiến trúc, cảnh quan, điểm du lịch tại thành phố Long Xuyên. Qua đó, đã giúp học viên hiểu rõ hơn cách vận hành, sử dụng giải pháp Xây dựng không gian số tỉnh An Giang./.

Phương Linh

hinhanh

Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023

(Sở TT&TT AG) – Sáng ngày 22/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023”. Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông An Giang có Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh, cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, trung tâm thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu An Giang

Tại Hội nghị, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã trình bày tổng quan lĩnh vực thông tin điện tử tại Việt Nam, các giải pháp đã triển khai năm 2022, một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và một số định hướng phát triển trong năm 2023. Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến 30/11/2022, trên toàn quốc có 1980 trang thông tin điện tử tổng hợp, 956 giấy phép mạng xã hội được bộ TT&TT cấp phép, 72 triệu người dùng Việt Nam dùng mạng xã hội, 506 doanh nghiệp có dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng viễn thông di động.

Hội nghị cũng đã nghe một số phát biểu, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị địa phương, doanh nghiệp với nội dung: tình hình vi phạm báo hóa trang thông tin điện tử tại địa phương; công tác quảng cáo trên mạng xã hội; cơ chế quảng cáo trên trang thông tin điện tử; giải pháp phát triển mạng xã hội mới tại Việt Nam; làm sao để chặn các game lậu, game xuyên biên giới; chính sách ưu tiên đặt hàng tuyên truyền trên mạng xã hội; công tác quản lý phát triển game tại Việt Nam…

Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định để xử lý tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử và mạng xã hội; quản lý chặt hơn dịch vụ nội dung cung cấp xuyên biên giới; đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trong nước…

Ngoài ra, Bộ TT&T đã tổ chức triển khai một số cách làm mới: Ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa”; Xây dựng Bộ nhận diện các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến “báo hóa”; Kiểm tra một số cơ quan báo chí là nguồn tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp lớn; Thay đổi tư duy quản lý với phương châm: “Muốn quản được phải thấy được”; Thay đổi phương thức tiếp cận, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok…); Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ…) vi phạm pháp luật: Cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng; Xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” (White List) và nội dung “đen” (Black list) trên mạng của Việt Nam; Đàm phán với Google để đạt thỏa thuận gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm (thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) bằng phương thức nhanh hơn. Google đã gỡ hơn 2000 quảng cáo vi phạm trong 6 tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng nêu một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội: Tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội vẫn còn tồn tại nhiều; Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới trên mạng, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn mất thời gian; Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng Giấy phép, không thực hiện báo cáo định kỳ.

Đối với Ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên mạng Internet: Tin giả tồn tại như rác, quét hết rác lại có rác mới; Quy trình, thời gian xác minh tin giả còn chậm trễ; Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam; Chưa có cơ chế phối hợp cụ thể, hiệu quả giữa Bộ TT&TT với các Bộ, ngành khác, Sở TT&TT địa phương ; Công cụ kỹ thuật để rà soát, phát hiện vi phạm còn thiếu.

Đối với Trò chơi điện tử trên mạng: Trò chơi không phép, đánh bạc, đổi thưởng vẫn tiếp tục gia tăng trên các kho ứng dụng ; Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng Giấy phép, Quyết định, không thực hiện báo cáo định kỳ; Tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn; Chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất game; Hầu hết các công ty game ở Việt Nam đều đóng vai trò là những nhà phát hành game hơn là nhà sản xuất

Đối với Quảng cáo trên mạng Internet: Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; Các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo Việt Nam vẫn chưa chủ động kiểm soát quảng cáo; Công cụ kỹ thuật để rà soát nội dung quảng cáo, vị trí đặt quảng cáo vẫn chưa hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề ra một số định hướng phát triển trong năm 2023:

Một là, triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sau khi được Chính phủ ban hành.

Hai là, xử lý cơ bản tình trạng tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Ba là, tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet: Xây dựng cơ chế phối hợp bộ, ngành, Sở TTTT; Tổ chức Hội nghị các mạng đa kênh, người nổi tiếng để kết nối, phổ biến quy định pháp luật…

Bốn là, ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022-2027.

Năm là, công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White List) và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam.

Sáu là, tăng cường phối hợp với Sở TT&TT và lực lượng công an để tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực.

Quách Vân

tin tuc

46 học viên tham gia tập huấn kỹ năng truyền thông đa phương tiện năm 2022

Sáng 23/12, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Trường Cao đẳng nghề An Giang tổ chức “Hội thảo tập huấn Kỹ năng truyền thông đa phương tiện” năm 2022. Tham dự buổi khai giảng có Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang Lê Việt Phương cùng 46 học viên.

Responsive image
Quang cảnh buổi khai giảng
Responsive image
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường phát biểu tại buổi khai giảng

 

Responsive image

Responsive image
Các học viên tham dự buổi tập huấn
Responsive image
Ban Tổ chức và các học viên tham gia tập huấn kỹ năng truyền thông đa phương tiện năm 2022

Chương trình tập huấn được diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 23 đến ngày 25/12/2022), các học viên là cán bộ phụ trách truyền thông của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ được bổ sung các kiến thức và kỹ năng truyền thông đa phương tiện, như: Thiết kế các ấn phẩm số (banner, standee, infographic...); Biên tập tin nhanh, xây dựng kịch bản phóng sự ngắn; Chụp ảnh sự kiện bằng thiết bị di động; Làm quen với thiết bị phim trường ảo; Biên tập và xử lý hình ảnh; Ứng dụng OBS Studio trên môi trường số…

Hội thảo tập huấn kỹ năng truyền thông đa phương tiện là một hoạt động nằm trong “Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022”. Thông qua lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khai thác hiệu quả các ứng dụng đa phương tiện, nền tảng mạng xã hội để phục vụ hiệu quả công tác truyền thông trên môi trường số, xây dựng không gian số, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang trong thời gian tới.  /.

TC-TT

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội

Sở TTTT AG – Ngày 22/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định 1418/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hóa” các loại hình ấn phẩm ngoài báo như tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.


Chức năng của báo, tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được quy định tại Luật Báo chí, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều cơ quan tạp chí có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Một số trang thông tin điện tử tổng hợp có hình thức trình bày, dẫn nguồn, thậm chí, cử nhân viên đi tác nghiệp, tự sản xuất tin, bài gây hiểu lầm là báo điện tử.

Một số trang mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử.

Tất cả thực trạng trên dẫn tới tình trạng "báo hoá" tạp chí, "báo hoá" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hoá" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí.

Nhằm giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ tiêu chí nhận diện "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội như sau:

NHẬN DIỆN “BÁO HÓA” TẠP CHÍ

Thể hiện gây hiểu nhầm là báo, chủ yếu diễn ra trên môi trường điện tử.

Về hình thức, mẫu trình bày tên gọi ấn phẩm, mẫu trình bày giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi "tạp chí" rất nhỏ gây khó khăn trong việc nhận biết hoặc gây hiểu nhầm cho bạn đọc.

Chuyên trang nhưng mẫu trình bày giao diện trang chủ không ghi "chuyên trang", không ghi thuộc tạp chí hoặc chỉ ghi tên cơ quan chủ quản gây hiểu nhầm là cơ quan báo chí độc lập trực thuộc trực tiếp cơ quan chủ quản.

Tên các chuyên mục không thể hiện tính chất chuyên sâu, chuyên ngành mà sử dụng các từ ngữ có nội hàm rộng mang tính chất loại hình báo, cụ thể như: Bản tin hằng ngày, bản tin, bản tin truyền hình, tin nóng, tin hot, đời sống…; thiết lập tài khoản, trang, kênh trên các nền tảng mạng xã hội với tên gọi là báo, truyền hình dễ gây hiểu nhầm.

Về Nội dung, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Tạp chí khoa học nhưng có tỷ lệ thông tin phản ánh sự kiện, vụ việc sự vụ nhiều hơn, chênh lệch so với thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành.

Về hoạt động, tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng cử phóng viên, nhà báo tác nghiệp hoặc yêu cầu cung cấp thông tin ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích thể hiện như: Điều tra theo đơn thư bạn đọc không phù hợp với chức năng, tôn chỉ, mục đích; tập trung khai thác những vụ việc nhằm mục đích ép ký hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo để trục lợi. Cấp giấy giới thiệu không ghi cụ thể nơi đến làm việc; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà.

Về cơ cấu tổ chức, tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, cộng tác viên không tương xứng với quy mô hoạt động.

NHẬN DIỆN “BÁO HÓA” TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP, “BÁO HÓA” MẠNG XÃ HỘI

Về hình thức: tên miền sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, News, Times, Online, Daily... Cách trình bày giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp không ghi rõ là trang thông tin điện tử, mạng xã hội, chỉ ghi là cơ quan, tiếng nói, diễn đàn... Giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp trình bày, thể hiện gần giống như nhận diện của sản phẩm báo chí (màu sắc, vị trí tên gọi...).

Bố trí giao diện trang chủ của mạng xã hội thành các chuyên mục: Chính trị, xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí... và đăng tải, tổng hợp các bài báo, hiển thị nội dung bài viết, tiêu đề, nội dung, chú thích ảnh, video-clip... như một tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; Giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp ghi thông tin: Tòa soạn, Văn phòng đại diện, Ban phóng viên... như cơ quan báo chí, mục “Người trách nhiệm nội dung” ghi họ tên kèm thêm từ “nhà báo”, “phóng viên”.

Về nội dung, tổng hợp tin bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân; tự tổng hợp tin tức từ các cơ quan báo chí thành bài viết và ghi thông tin Tổng hợp (PV). Mạng xã hội không có người dùng tương tác, chia sẻ thông tin; đăng bài viết của thành viên quản trị với cách viết gây hiểu nhầm là các bài báo.

Về kỹ thuật, tự sản xuất tin bài như báo chí rồi chuyển cho cơ quan báo chí phát hành trên mạng, sau đó trang thông tin điện tử tổng hợp đăng tải lại ngay để hợp thức hóa nguồn tin; Tin bài đăng trên trang thông tin điện tử trước khi đăng trên sản phẩm báo chí ghi là nguồn tin, bài; Mạng xã hội tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí nhưng đăng dưới dạng người dùng đăng tải (một trang không quá 20 tài khoản đăng tải).

Về hoạt động, cử nhân viên tới cơ quan, đơn vị để thu thập tin tức, tài liệu để viết bài, sản xuất sản phẩm truyền thông như phóng viên, nhà báo tác nghiệp.

Về nhân sự, người chịu trách nhiệm nội dung, nhân sự trang thông tin điện tử tổng hợp đồng thời là phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có số lượng nhân sự lớn, ký hợp đồng làm phóng viên.

(Nguồn: Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ TT&TT)

Quách Vân

Subscribe to Hoạt động

Về ICT

Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, được thành lập theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

Các bài viết

Liên Hệ

Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông

Center of Information and Communication Technology