(sotttt.angiang.gov.vn) - Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023.
Ảnh nguồn: ocop.gov.vn
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) để phát huy và nâng cao các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Theo đó, để thực hiện tốt các mục tiêu trên phải đa dạng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn lồng ghép với hoạt động truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thông qua tổ chức các hội nghị triển khai, hội thảo khoa học. Cạnh đó, để nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa, đồng thuận và chủ động tham gia vào Chương trình OCOP thì các sở, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông, các tổ chức liên quan cần khai thác tốt các trang thông tin điện tử của đơn vị để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP.
Tiếp tục kế thừa, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP các cấp đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, gắn nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP với nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng các Tổ tư vấn, phát triển hệ thống đối tác của Chương trình OCOP để hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hỗ trợ trong công tác rà soát, phát hiện và hoàn thiện các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.
Đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tỉnh đến cơ sở gắn với bộ tài liệu, tập huấn của Chương trình phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu thực tiễn và bám sát vào hướng dẫn của Trung ương. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, điều hành, marketing, nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược về Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP nghiêm túc, hiệu quả trong việc phát triển, đánh giá, đánh giá lại sản phẩm OCOP; Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; Xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình OCOP; Tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chí môi trường gắn với kiểm tra, thanh tra; Khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm;…
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành cấp tỉnh, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung, yêu cầu của Kế hoạch này./.
Nguồn: Kế hoạch số 363/KH-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh
Phùng Nhung
(sotttt.angiang.gov.vn) - Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 05/5/2023 truyền thông phục vụ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2023 – 2025.
Mục tiêu truyền thông nhằm đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận trong triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh; góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”; phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang, để các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới trở thành những “Miền quê đáng sống”.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, từ nay đến hết năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới và Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, khẩu hiệu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.
Theo đó, các ngành và địa phương phải đảm bảo hàng năm xây dựng kế hoạch và khung nội dung về truyền thông, tuyên truyền để thống nhất nội dung thực hiện; Xây dựng chủ đề truyền thông phù hợp với từng năm nhằm tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả đến cán bộ cơ sở, cộng đồng, người dân, đặc biệt là người tiêu dùng, tổ chức thương mại, khách du lịch nhằm phát triển thị trường nông sản, sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững;
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác truyền thông, nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; xây dựng các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP;
Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và các quan truyền thông để đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thực hiện chương trình thường xuyên và liên tục, theo hướng tiếp cận đa chiều và tập trung vào các nội dung trọng tâm theo chủ đề; Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, đối thoại chuyên sâu, biên soạn và phát hành các ấn phẩm liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, phóng sự giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch,…;
Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, các địa phương tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025; Nâng cao năng lực cán bộ các cấp về công tác truyền thông, thông tin và tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới thông qua các lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng truyền thông;
Xây dựng các chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương nhằm phối hợp hiệu quả các hoạt động tuyên truyền; Thường xuyên nâng cấp, cập nhật các nội dung thông tin, tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các Chương trình chuyên đề trên Cổng thông tin điện tử Nông thôn mới tỉnh An Giang và Đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng cho những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới; giới thiệu các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong phong trào “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025./.
Nguồn: Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 05/5/2023
TN
(sotttt.angiang.gov.vn) – Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ảnh minh hoạt - Các trang thông tin điện tử tổng hợp trên địa bàn tỉnh An Giang
Tính đến tháng 5/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp 08 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp của các đơn vị đã góp phần chuyển tải nhiều thông tin bổ ích đến người đọc, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị có giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp thực hiện một số nội dung sau:
1. Tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp: trích dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí phải đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, có văn bản chấp thuận trích dẫn nguồn tin của cơ quan báo chí; thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo; nội dung thông tin đăng tải phải đúng tôn chỉ, mục đích của giấy phép.
2. Rà soát lại thời hạn giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp đã cấp, nếu đã hết hạn đề nghị làm hồ sơ, thủ tục cấp lại theo quy định.
3. Rà soát lại tên miền đang sử dụng trang thông tin điện tử tổng hợp, nếu không phải tên miền “.vn” đề nghị thay đổi tên miền và làm hồ sơ, thủ tục thay đổi thông tin trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
4. Thực hiện đúng chế độ báo cáo định kỳ mỗi năm một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông (nếu có); Nội dung báo cáo theo mẫu số 03 của Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Công văn số 665/STTTT-TTBCXB ngày 12/5/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông An Giang
Quách Vân
(sotttt.angiang.gov.vn) – Sáng ngày 20/5, Sở Thông tin và Truyền thông; Văn phòng Huyện uỷ, Văn phòng HĐND-UBND huyện Châu Thành; VNPT huyện Châu Thành; Phòng Tài chính Kế hoạch; Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành đã phối hợp tổ chức thành công giải bóng đá Tứ hùng năm 2023 chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).
Giải đấu diễn ra tại Sân bóng đá Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành với sự tham gia của 4 đội, gồm: Đội bóng đá Văn phòng Huyện uỷ & Văn phòng HĐND-UBND huyện Châu Thành; Đội bóng đá Sở Thông tin và Truyền thông; Đội bóng đá VNPT huyện Châu Thành; Đội bóng đá Phòng Tài chính - Kế hoạch và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành theo thể thức đấu loại trực tiếp.
Giải đấu là hoạt động thể dục thể thao thiết thực, bổ ích và đầy ý nghĩa, nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu, học tập và mối quan hệ gắn bó giữa các đơn vị trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đồng thời, góp phần nâng cao sức khoẻ thể chất, tinh thần và phát triển phong trào thể thao quần chúng, rèn luyện sức khoẻ cho cán bộ, công chức.
QUÁCH VÂN - TRỌNG TÍN
(sotttt.angiang.gov.vn) - Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa ban hành văn bản số 346/UBND-KGVX ngày 04/4/2023 về việc triển khai nhiệm vụ ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023; Sơ kết Chương trình số 553/CTr-UBND ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang triển khai một số nội dung trọng tâm trong năm 2023:
Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách; quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh của tỉnh; tạo niềm tin, đồng thuận xã hội; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp xuyên tạc, đưa thông tin sai sự thật về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên môi trường mạng. Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các hoạt động thông tin đối ngoại tỉnh An Giang năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Quan tâm phát triển hạ tầng logistics; Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg. Phối hợp các đơn vị liên quan đấu tranh với các loại tội phạm ứng dụng công nghệ cao, các loại tội phạm khác trên lĩnh vực Công nghệ thông tin, Bưu chính, Viễn thông. Tiếp tục hoàn chỉnh, phát triển hạ tầng viễn thông, bảo đảm kết nối và truyền dữ liệu thông suốt, an toàn, phục vụ chuyển đổi số.
Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 21/8/2022 về Chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số năm 2023; đặc biệt tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện Trung tâm dữ liệu, Trung tâm điều hành thông minh của Tỉnh; Tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đủ điều kiện) và thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Triển khai và thực hiện có hiệu quả chủ đề chuyển đổi số năm 2023: “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Tham mưu UBND tỉnh triển khai và vận hành hiệu quả các “Trung tâm điều hành thông minh” (IOC), không gian số tỉnh An Giang.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 29/3/2022 Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh An Giang. Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện quy hoạch 1/500 của Khu Công nghệ thông tin tập trung.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phải song hành với đảm bảo an toàn thông tin mạng; Tập trung triển khai đánh giá, xác định cấp độ an toàn thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ của các hệ thống thông tin tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP và Thông tư 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022; triển khai Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng. Tham mưu UBND tỉnh triển khai hệ thống giám sát an toàn không gian mạng. Thực hiện chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo phát triển bền vững của ngành và Triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia; Đề án 06 của Chính phủ đối với nội dung do ngành Thông tin và Truyền thông phụ trách./.
Nguồn: Văn bản số 346/UBND-KGVX ngày 04/4/2023 của UBND tỉnh
TN
Quang cảnh đại hội
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, CĐCS Sở Thông tin và Truyền thông có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đảm bảo thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động; phối hợp với Thủ trưởng cơ quan tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của ngành thông tin và truyền thông. Làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với đoàn viên, tạo ra mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trong đó phải kể đến nhiều kết quả nổi bật như: Phối hợp với chính quyền thực hiện ít nhất 01 công trình sản phẩm, chương trình trọng điểm của ngành hàng năm; Trên 35% đoàn viên Nữ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và trên 35% đoàn viên Nam đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” hàng năm; Tổ chức cho đoàn viên tham quan du lịch hàng năm.
Đại biểu bỏ phiếu bầu nhân sự nhiệm kỳ 2023 - 2028
Công đoàn viên Sở Thông tin và Truyền thông đã tham gia bầu Ban Chấp hành CĐCS nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 05 đồng chí, trong đó, đồng chí Dương Hoàng Vũ và đồng chí Tăng Thành Nhơn lần lượt tái đắc cử chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Đồng thời, Ủy ban kiểm tra CĐCS nhiệm kỳ mới cũng được bầu ra gồm 03 đồng chí.
Ban Chấp hành CĐCS nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt đại hội
Tặng hoa, quà tri ân đồng chí có nguyện vọng không tham gia Ban Chấp hành CĐCS nhiệm kỳ mới
Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với các chỉ tiêu quan trọng như: Vận động công chức, viên chức, người lao động tham gia tổ chức công đoàn đạt tỷ lệ 100%; Phấn đấu giới thiệu ít nhất 02 đoàn viên ưu tú, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cho Đảng bồi dưỡng, phát triển Đảng; Tiếp tục phấn đấu từ 20% đến 25% trở lên tổng số đoàn viên được khen thưởng (trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn) từ cấp tỉnh trở lên; Tổ chức cho công chức, viên chức và người lao động tham quan du lịch 01 lần/năm./.
Quốc Lực - Trung Cang
Với mục tiêu xây dựng không gian số cho tỉnh An Giang (tên gọi tắt là iSpace); tăng cường truyền thông, tạo kết nối, tương tác và trải nghiệm mới đối với các công trình kiến trúc, cảnh quan, điểm du lịch, sản phẩm, dịch vụ… của An Giang trên môi trường số; góp phần quảng bá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của An Giang. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Tin học Trường Đại học An Giang tổ chức lớp tập huấn chuyển giao quản lý, vận hành, sử dụng giải pháp Xây dựng không gian số tỉnh An Giang. Tham dự có ông Lê Quốc Cường - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Viễn thông An Giang, các phòng và đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Các đại biểu tham gia lớp tập huấn
Lớp tập huấn đã diễn ra trong 02 ngày (16-17/1/2023) tại Hội trường Sở Thông tin và Truyền thông, học viên được trang bị các kiến thức về: sử dụng thiết bị chuyên dụng (kết nối với app điện thoại, desktop, chế độ chụp, chế độ quay…); xử lý ảnh; xây dựng không gian số (giao diện, làm việc với Hotspots, Panoramas, Skin…).
Học viên thực hành chụp ảnh và xử lý ảnh
Bên cạnh đó, các học viên được trải nghiệm chụp ảnh thực tế và xây dựng không gian số các công trình kiến trúc, cảnh quan, điểm du lịch tại thành phố Long Xuyên. Qua đó, đã giúp học viên hiểu rõ hơn cách vận hành, sử dụng giải pháp Xây dựng không gian số tỉnh An Giang./.
Phương Linh
(Sở TT&TT AG) – Sáng ngày 22/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023”. Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông An Giang có Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh, cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, trung tâm thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã trình bày tổng quan lĩnh vực thông tin điện tử tại Việt Nam, các giải pháp đã triển khai năm 2022, một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và một số định hướng phát triển trong năm 2023. Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến 30/11/2022, trên toàn quốc có 1980 trang thông tin điện tử tổng hợp, 956 giấy phép mạng xã hội được bộ TT&TT cấp phép, 72 triệu người dùng Việt Nam dùng mạng xã hội, 506 doanh nghiệp có dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng viễn thông di động.
Hội nghị cũng đã nghe một số phát biểu, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị địa phương, doanh nghiệp với nội dung: tình hình vi phạm báo hóa trang thông tin điện tử tại địa phương; công tác quảng cáo trên mạng xã hội; cơ chế quảng cáo trên trang thông tin điện tử; giải pháp phát triển mạng xã hội mới tại Việt Nam; làm sao để chặn các game lậu, game xuyên biên giới; chính sách ưu tiên đặt hàng tuyên truyền trên mạng xã hội; công tác quản lý phát triển game tại Việt Nam…
Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định để xử lý tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử và mạng xã hội; quản lý chặt hơn dịch vụ nội dung cung cấp xuyên biên giới; đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trong nước…
Ngoài ra, Bộ TT&T đã tổ chức triển khai một số cách làm mới: Ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa”; Xây dựng Bộ nhận diện các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến “báo hóa”; Kiểm tra một số cơ quan báo chí là nguồn tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp lớn; Thay đổi tư duy quản lý với phương châm: “Muốn quản được phải thấy được”; Thay đổi phương thức tiếp cận, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok…); Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ…) vi phạm pháp luật: Cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng; Xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” (White List) và nội dung “đen” (Black list) trên mạng của Việt Nam; Đàm phán với Google để đạt thỏa thuận gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm (thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) bằng phương thức nhanh hơn. Google đã gỡ hơn 2000 quảng cáo vi phạm trong 6 tháng cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng nêu một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội: Tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội vẫn còn tồn tại nhiều; Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới trên mạng, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn mất thời gian; Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng Giấy phép, không thực hiện báo cáo định kỳ.
Đối với Ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên mạng Internet: Tin giả tồn tại như rác, quét hết rác lại có rác mới; Quy trình, thời gian xác minh tin giả còn chậm trễ; Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam; Chưa có cơ chế phối hợp cụ thể, hiệu quả giữa Bộ TT&TT với các Bộ, ngành khác, Sở TT&TT địa phương ; Công cụ kỹ thuật để rà soát, phát hiện vi phạm còn thiếu.
Đối với Trò chơi điện tử trên mạng: Trò chơi không phép, đánh bạc, đổi thưởng vẫn tiếp tục gia tăng trên các kho ứng dụng ; Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng Giấy phép, Quyết định, không thực hiện báo cáo định kỳ; Tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn; Chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất game; Hầu hết các công ty game ở Việt Nam đều đóng vai trò là những nhà phát hành game hơn là nhà sản xuất
Đối với Quảng cáo trên mạng Internet: Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; Các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo Việt Nam vẫn chưa chủ động kiểm soát quảng cáo; Công cụ kỹ thuật để rà soát nội dung quảng cáo, vị trí đặt quảng cáo vẫn chưa hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề ra một số định hướng phát triển trong năm 2023:
Một là, triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sau khi được Chính phủ ban hành.
Hai là, xử lý cơ bản tình trạng tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Ba là, tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet: Xây dựng cơ chế phối hợp bộ, ngành, Sở TTTT; Tổ chức Hội nghị các mạng đa kênh, người nổi tiếng để kết nối, phổ biến quy định pháp luật…
Bốn là, ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022-2027.
Năm là, công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White List) và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam.
Sáu là, tăng cường phối hợp với Sở TT&TT và lực lượng công an để tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực.
Quách Vân
Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, được thành lập theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông
Center of Information and Communication Technology