An Giang tổ chức Triển lãm và Hội thảo về Chuyển đổi số năm 2023
Đại biểu tham gia Triển lãm và Hội thảo về Chuyển đổi số
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lưu Vĩnh Nguyên; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh An Giang Lê Quốc Cường, cùng đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các trường Đại học, cao đẳng; các hiệp hội; Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện; Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy; Lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp; Lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông trong và ngoài tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tặng hoa Nhà tài trợ
Kết quả về công tác Chuyển đổi số của tỉnh An Giang, tính đến nay, có 156 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng. Toàn tỉnh Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp; 100% cơ quan nhà nước, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện có kết nối internet đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của chính quyền, doanh nghiệp và người dân; có 2.160 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); Thuê bao điện thoại di động 2.471.745; Thuê bao băng rộng cố định 439.758 thuê bao; Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone: 66,2%; Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định: 78,91%. Về phát triển kinh tế số tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2022 đạt 7,18%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30% so với mục tiêu năm 2022; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Tính đến tháng 10/2023, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, cung cấp tổng số dịch vụ hành chính công có 2.036 dịch vụ. Trong đó: Số lượng dịch vụ công trực tuyến một phần: 1.053; Số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 983 dịch vụ công; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 74,7%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến là 79%. Đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần, và toàn trình của tỉnh (1.473 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cơ quan đơn vị sử dụng gửi nhận văn bản điện tử, ký số, hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang với 10 lĩnh vực, trong năm, đã tiếp nhận 204 phản ánh người dân, đã giải quyết 199 phản ánh, đạt tỉ lệ 97,5%; tại các địa phương có 08/11 huyện, thị, thành phố đã ra mắt IOC cấp huyện, các hệ thống này đã kết nối được một số hệ thống thông tin, dữ liệu khác nhau (kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế…).
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, năm 2023, được Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia xác định là “Năm dữ liệu số quốc gia”. Xác định tầm quan trọng, lợi ích to lớn của Chuyển đổi số mang lại cho công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền, cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch thực hiện giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp đẩy mạnh số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai Cổng dữ liệu mở phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; tập trung rà soát, thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu;... Chuyển đổi số cũng là cơ hội để An Giang bứt phá, vươn lên. Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực hoạt động của chính quyền các cấp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh An Giang.
Đồng thời, chia sẻ các giải pháp triển khai Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số; giải pháp Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, phục vụ Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thông qua các tham luận của các chuyên gia đến từ các đơn vị, doanh nghiệp có kinh nghiệm về giải pháp công nghệ và chuyển đổi số hiện nay. Do đó, Hội thảo lần này là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong Chuyển đổi số, cũng như hiểu hơn về các giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển dữ liệu số, cũng như đưa ra chiến lược phát triển dữ liệu số của tỉnh trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam Nguyễn Hữu Nguyên trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, giải pháp số và các diễn giả đã chia sẻ nhiều tham luận về: Kho Cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ chuyển đổi số tỉnh An Giang; Giải pháp số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Khung kiến trúc và giải pháp đô thị thông minh cho An Giang; Giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng thực hiện chuyển đổi số; Hạ tầng CNTT phục vụ xử lý lưu trữ và dữ liệu lớn (Bigdata); Giải pháp tiếp cận khách hàng thông minh và Gia tăng khách hàng trung thành cho Doanh nghiệp; Dữ liệu - Chìa khoá tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Doanh nghiệp, tổ chức trong chuyển đổi số; Bình dân AI; Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh An Giang Lê Quốc Cường phát biểu kết luận
Giám đốc Sở Thông tin và Truyên thông Lê Quốc Cường mong muốn qua Hội thảo, chúng ta đã nghe báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2023 và 10 tham luận của các đơn vị, doanh nghiệp trình bày các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, rất hay, rất xúc tích và sát thực tế; hy vọng rằng sẽ giúp cho quý Đại biểu tham dự Hội thảo hôm nay có cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về chuyển đổi số, từ đó chủ động, lựa chọn các giải pháp phù hợp để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Hội thảo Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023 đã khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Ngày Chuyển đổi số quốc gia, thể hiện sự đồng lòng tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân An Giang nhằm huy động các nguồn lực để triển khai chuyển đổi số toàn dân và toàn diện trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại An Giang.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số đã triển lãm nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, phần mềm, giải pháp về chuyển đổi số.
Đại biểu tham quan các gian hàng tại buổi triễn lãm
Trung Cang