An Giang: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023
(sotttt.angiang.gov.vn) - Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023.
Ảnh nguồn: ocop.gov.vn
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) để phát huy và nâng cao các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Theo đó, để thực hiện tốt các mục tiêu trên phải đa dạng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn lồng ghép với hoạt động truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thông qua tổ chức các hội nghị triển khai, hội thảo khoa học. Cạnh đó, để nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa, đồng thuận và chủ động tham gia vào Chương trình OCOP thì các sở, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông, các tổ chức liên quan cần khai thác tốt các trang thông tin điện tử của đơn vị để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP.
Tiếp tục kế thừa, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP các cấp đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, gắn nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP với nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng các Tổ tư vấn, phát triển hệ thống đối tác của Chương trình OCOP để hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hỗ trợ trong công tác rà soát, phát hiện và hoàn thiện các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.
Đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tỉnh đến cơ sở gắn với bộ tài liệu, tập huấn của Chương trình phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu thực tiễn và bám sát vào hướng dẫn của Trung ương. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, điều hành, marketing, nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược về Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP nghiêm túc, hiệu quả trong việc phát triển, đánh giá, đánh giá lại sản phẩm OCOP; Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; Xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình OCOP; Tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chí môi trường gắn với kiểm tra, thanh tra; Khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm;…
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành cấp tỉnh, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung, yêu cầu của Kế hoạch này./.
Nguồn: Kế hoạch số 363/KH-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh
Phùng Nhung